(ĐCSVN) – Những người Việt đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài là một phần của dân tộc Việt Nam. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, với lòng yêu nước nồng nàn và niềm tự hào dân tộc, họ cũng luôn tìm cách khẳng định những tố chất tốt đẹp của dân tộc, không những làm rạng danh Tổ quốc việt Nam mà còn là niềm tự hào của đất nước sở tại. Ở Sô-phia (thủ đô Bulgari) có những người như vậy.
Nhà thờ Thánh A. Nevski ở thủ đô Sô-phia (ảnh tư liệu)
Câu chuyện về những người đến sớm
Hôm nay, chị Thành có khách. Nói là khách nhưng đó chính là cậu em trai yêu quý của chị. Đã lâu, hai chị em “người ở trời Âu, người bên biển Á” không gặp nhau. Bây giờ, sau chuyến công tác một số nước châu Âu, anh trở lại Sô-phia thăm người chị thân yêu của mình. Nghỉ bán hàng sớm hơn thường lệ, chị ghé qua chỗ người quen mua mấy thứ rau Việt Nam để đãi cậu em. Trước sự ngạc nhiên của cậu em, chị Thành giải thích rằng, ở Sô-phia đã có một vài hộ gia đình người Việt chuyển từ kinh doanh nhỏ lẻ sang trồng rau chuyên canh, cung cấp cho thị trường rau quả cả trong và ngoài lãnh thổ Bulgari. Rau muống, rau bí, kể cả ngọn su su, chỉ cần báo qua điện thoại là khách hàng được thoả mãn yêu cầu.
Vừa nhặt rau, chị Thành vừa kể cho cậu em thông tin mới, chị vừa nghe được từ cộng đồng, rằng sắp tới công ty Bình Minh của Việt Nam – một công ty chuyên kinh doanh sản phẩm nông nghiệp cao cấp – sẽ triển khai dự án hợp tác kinh doanh với đối tác Bulgari. Nghe nói, Công ty Bình Minh sẽ đầu tư hạ tầng kỹ thuật và công nghệ hiện đại trên diện tích 400 ha để sản xuất rau quả với chất lượng cao cấp theo tiêu chuẩn châu Âu, cung cấp cho thị trường EU và Bắc Mỹ. Chị bảo, chắc chỉ ít hôm nữa thôi, bạn bè chị đã từng học tập ở Bulgari, sẽ trở lại đất nước Hoa Hồng trong vai trò là các chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam để triển khai dự án.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng thăm Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Quốc tế Sô-phia (ảnh Vũ Cân)
Chị Thành là một trong số những người Việt thuộc thế hệ thứ nhất đến học tập và làm ăn tương đối ổn định ở Bulgari. Chị từng theo học tại một trường đại học lớn danh tiếng ở thủ đô Sô-phia. Trong những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, cũng như nước xã hội chủ nghĩa khác ở Đông Âu, Bulgari nhận đào tạo giúp Việt Nam một số lượng lớn công nhân kỹ thuật. Những chàng trai, cô gái được tuyển chọn kỹ càng từ lực lượng lao động trẻ chưa có tay nghề và kể cả từ lực lượng vũ trang đã hoàn thành nhiệm vụ được gửi sang Bulgari học nghề với danh nghĩa thực tập sinh. Hồi đó, cứ 6 tháng một lần lại có khoảng 600 đến 700 người theo tàu hoả liên vận lên đường đến Bulgari. Đích đến của họ là những trường dạy nghề trên đất bạn, nhưng để học nghề và hoà nhập tốt cuộc sống, trước hết họ phải qua một khoá học tiếng Bulgari kéo dài khoảng 6 tháng tại cơ sở dạy tiếng dành cho người Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam tại Bulgari chủ trương lựa chọn một số sinh viên Việt Nam đã tốt nghiệp xuất sắc các trường Đại học tại Bulgari và mời họ tham gia quản lý và giúp đỡ những người mới đến. Chị Thành là một trong số những người như thế.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chị trở về Việt Nam làm ăn sinh sống. Chị đã từng có một gia đình hạnh phúc, công việc làm ăn thuận lợi. Vào thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, những biến cố không may ập đến với chị và cũng chính thời điểm đó, một số bạn bè và mối quan hệ của chị ở Bulgari tận dụng cơ hội nền kinh tế Bulgari chuyển đổi đã “bung ra” làm ăn phát đạt. Chợ hàng hoá I-li-an-si ở thủ đô Sô-phia được thành lập vào thời điểm đó bởi những người Việt Nam năng động. Với sự giúp đỡ của bạn bè, chị Thành thu vén công việc gia đình và cùng cậu con trai chưa đầy 3 tuổi trở lại Bulgari một lần nữa để mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chân ướt, chân ráo đến đất bạn, mới đầu chị Thành thuê một gian hàng để bán lẻ quần áo, chủ yếu nhập từ những nhà buôn lớn đến từ Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc. Do giữ chữ tín với người tiêu dùng, hàng hoá do chị lựa chọn được những người Bulgari và kể cả khách du lịch ưa thích. Dần dần, chị phát triển gian hàng của mình thành đại lý, chủ yếu bán buôn cho khách hàng đến từ các tỉnh thành khác của Bulgari, thậm chí xuất sang các nước khác như Tiệp Khắc (cũ), Ba Lan, Hungari.
Biển quảng cáo hàng hoá phía ngoài chợ I-li-an-si (Ảnh Vũ Cân)
Trong một vài năm nay, kinh tế không chỉ của Bulgari mà của toàn châu Âu (nhất là các nước Đông Âu) lâm vào suy thoái do ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Sức mua của người dân không còn được như trước, công việc kinh doanh của chị cũng như của cộng đồng người Việt tại Sô-phia giảm sút rõ rệt. Chỉ tay vào thùng hàng vừa đóng đang chờ chuyển cho khách bán lẻ, chị Thành nói: “So với thời điểm cách đây 2-3 năm, thùng hàng này không bằng chị bán lẻ cho khách vãng lai. Ấy vậy mà chị vẫn còn may đấy. Có người ở đây cả tuần không bán nổi vài ba cái áo. Buôn bán, làm ăn bây giờ khó quá. Lời lãi thu được cũng chỉ đủ trang trải cho sinh hoạt và việc học hành của con cái thôi em ạ!”.
Lo toan cho thế hệ tương lai
Chuyện trò với những người kinh doanh ở chợ I-li-an-si thấy ấm lòng vì sự đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau của cộng đồng người Việt nơi đất khách quê người. Anh Thắng, nguyên là một kỹ sư giỏi, được đào tạo bài bản tại trường Đại học Lô-mô-nô-sốp của Nga. Anh đã từng công tác tại một viện nghiên cứu danh tiếng tại Hà Nội. Vào thời điểm, khi mà đồng lương không đủ để nuôi sống bản thân, anh lựa chọn con đường sang Bulgari theo diện xuất khẩu lao động. Mới đầu anh được giao nhiệm vụ làm đội trưởng một đội công nhân xây dựng tại công trình xây dựng nhà máy điện nguyên tử mới của bạn. Sau khi Bulgari chuyển đổi chế độ, do những khó khan về tài chính, công trình trọng điểm này của nước bạn tạm thời đóng cửa. Phần lớn công nhân lên đường về nước, riêng anh Thắng và một vài người khác quyết định ở lại Bulgari làm ăn sinh sống. Mới đầu anh cũng có một gian hàng và kinh doanh khá phát đạt. Sau khi nhận thấy công việc này có thể cho thu nhập cao nhưng thiếu tính bền vững, anh quyết định nghỉ bán hàng và chuyển sang công việc hoàn toàn mới: dạy học.
Học trò của anh là con cái những người kinh doanh tại chợ I-li-an-si. Phần lớn các cháu thuộc thế hệ thứ hai, sinh ra, lớn lên, đi học ở trường Bulgari. Bố mẹ các cháu, quanh năm, suốt tháng lăn lộn với thương trường, không có thời gian kèm cặp giúp đỡ các cháu học tập. Biết anh Thắng là người có kiến thức, họ bèn đề nghị anh tổ chức lớp học thêm cho các cháu. Kinh phí cho một giờ học thêm anh Thắng thu khoảng 5 leva (tiền Bulgari). Vậy là, ngoài việc học ở trường, vào thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, các cháu lại cắp sách đến nhà bác Thắng để học thêm một số môn quan trọng như Toán, Lý, Hoá. Con trai chị Thành, năm nay thi chuyển cấp là học trò cưng của anh Thắng. Cháu hiện đang theo học tại Trường Trung học chuyên tin ở Sô-phia. Chị cho biết, người Bulgari rất khâm phục và mến mộ việc lo toan học hành cho con cái của cộng đồng người Việt tại đây. Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, toàn châu Âu đang phải cắt giảm chi tiêu, hàng hóa ế ẩm, buôn bán găp nhiều khó khăn thì việc học thêm của các cháu cũng là cả một vấn đề khó khăn cho cha mẹ. Nhiều cháu đã tạm thời nghỉ học, mặc dù bác Thắng đã giảm học phí đến mức thấp nhất có thể.
Trường Trung học chuyên Toán Sô-phia – 15 tài năng toán học của cộng đồng người Việt Nam tại Sô-phia đang theo học (Ảnh Vũ Cân)
Trong thời gian ở thăm Bulgari, tôi đã đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Đệ. Quê anh ở Tuyên Hóa – huyện miền Tây Quảng Bình còn nhiều khó khăn và thường xuyên bị thiên tai tàn phá. Anh là một trong những học viên học nghề sang Bulgari từ những năm 1970 của thế kỷ trước. Học nghề rồi ở lại vừa học vừa làm, anh đã từng được bà con cộng đồng bầu làm Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Thành phố Sô-phia. Cũng như chị Thành, anh đã về Việt Nam, đã có một công việc dường như khá ổn định ở một cơ quan quản lý. Sau đó, anh được lựa chọn sang Bulgari làm phiên dịch cho cơ quan hợp tác lao động. Khi công việc đã tương đối ổn định, anh đưa cả vợ và cô con gái lớn vừa tròn ba tuổi sang sinh sống bên nước bạn.
Thấm thoắt đã hơn 20 năm, cô con gái đầu của anh – Nguyễn Thị Thanh Vân – ngày nào, giờ đây đã tốt nghiệp Đại học Kiến trúc. Một bài báo trên báo chí Bulgari đã viết về cô bé: “Mặc dù, chuyên ngành Nguyễn Thị Thanh Vân yêu thích và gắn bó số phận mình là nghệ thuật kiến trúc, nhưng điều đó không hề cản trở cô bé Á Đông này chuyên tâm nghiên cứu những lĩnh vực khác như kinh tế, chính trị, xã hội”. Bài báo còn cho bết, nghiên cứu mới đây nhất của Thanh Vân về “Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Bulgari trong bối cảnh Liên minh châu Âu tăng cường quan hệ với Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN” đã được các nhà khoa học và dư luận đánh giá cao. Báo cáo nghiêncứu này đã được trình bày tại Hội thảo Quốc tế về “Những vấn đề và thách trước sự mở rộng của Liên minh châu Âu”, tổ chức tại trường Đại học kinh tế quốc gia và quốc tế Sô-phia – Trường Đại học danh tiếng của Bulgari. Chắc bạn đọc còn nhớ, trong một số bài viết về Bulgari, chúng tôi đã nhắc đến trường Đại học danh tiếng số 1 này của Bulgari vì nơi đây đã góp phần đào tạo nhiều nhà kinh tế nổi tiếng trên thế giới trong đó có cả những nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng. Hiện nay, 17 sinh viên Việt Nam đang theo học tại trường Đại học này. Phần đông trong số đó là con em của những người Việt Nam đang định cư tại Bulgari.
Nói đến gia đình anh Đệ, không chỉ cộng đồng người Việt tại Bulgari biết đến với niềm tự hào, hãnh diện mà chính người dân đất nước sở tại cũng rất tự hào vinh dự vì thành tích học tập đáng nể của cậu con trai thứ hai của anh _Nguyễn Chí Dũng – hiện đang theo học tại Trường Trung học chuyên Toán thành phố Sô-phia. Anh Đệ rất ít nói về cậu con trai cưng của mình, nhưng qua cộng đồng và qua báo chí Bulgari, chúng tôi được biết Dũng đã giành được nhiều giải cho đội tuyển Toán học của Bulgari trong các cuộc thi Olympic toán quốc tế – mang lại niềm tự hào, vinh quang cho nền toán học Bulgari. Riêng trong năm 2010, Nguyễn Chí Dũng đã mang về cho toán học Bulgari bộ sưu tập huy chương đủ cả vàng (tại cuộc thi ở Rumani), bạc (taị cuộc thi toán học thế giới, tổ chức tại Hàn Quốc) và đồng (tại Philipin). Cộng đồng người Việt và các bạn Bulgari đều hoan hỉ, phấn khởi.
Nguyễn Chí Dũng (áo phông trắng, thứ 3 từ phải sang) “cậu bé Vàng” của đội tuyển toán học quốc gia Bulgari (ảnh Vũ Cân)
Tờ tạp chí TEMA, số ra đầu năm 2010 đã viết về Chí Dũng như sau: Năm 1995, trên đất nước Hoa Hồng, cậu bé Nguyễn Chí Dũng, chào đời. Bố mẹ Nguyễn Chí Dũng hy vọng, với cái tên được đặt, câu bé sẽ lớn lên có ý chí và lòng dũng cảm, vượt qua các thách thức cuộc đời để đóng góp nhiều nhất, có ích nhất cho xã hội. Ngay từ nhỏ, bố mẹ em đã cho em làm quen, nhận biết những chữ số bằng những đồ chơi mang hình các con số, treo bên nôi của em”.
Hiện nay, cậu học sinh lớp Tám, Nguyễn Chí Dũng là một trong những học sinh giỏi nhất của Trường Trung học chuyên toán Sô-phia, nơi tập trung những tài năng toán học đặc biệt của đất nước Hoa Hồng. Trong cuộc thi Olympic Toán học Quốc tế, tổ chức tại Philipin, Dũng và các bạn trong đội tuyển toán học Bulgari đã giành được vị trí thứ Ba toàn đoàn với 2 huy chương vàng, hai huy chương bạc và một huy chương đồng.
Dũng nói tiếng Bulgari chuẩn như …người Bulgari. Em biết khiêu vũ, biết những điệu nhảy dân tộc Bulgari một cách thuần thục. Dũng hoà đồng, gắn bó, thân thiện, làm cho các bạn cùng lớp cảm nhận thật rõ ràng ý nghĩa thiêng liêng nhưng cũng rất đỗi giản dị của tình bạn không biên giới, màu da, sắc tộc. Các thày cô giáo ở Trường Trung học chuyên Toán Sô-phia, nói rằng, họ tự hào vì cậu học trò cưng của mình. Càng tự hào hơn khi “1/4 thành công của đội tuyển Toán học Bulgari” – theo cách nói của họ – là thành tích đáng nể của cậu học trò gốc Việt”. Càng ý nghĩa hơn, khi thành tích của Nguyễn Trí Dũng – như một món quà ý nghĩa – đến đúng vào ngày kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Bulgari.
Học sinh gốc Việt – niềm tự hào không chỉ của cộng đồng người Việt Nam
Cầm trên tay tờ báo có đăng hình đội tuyển Toán học Bulgari được đón chào tại sân bay Sô -phia, không giấu nổi niềm tự hào về các học trò người Việt đang theo học tại trường, bà Mariana Todorova – Hiệu trưởng Trường Trung học chuyên Toán Sô-phia –chỉ vào Dũng và nói: “Đây là cậu bé Vàng của trường chúng tôi”.
Bà cho biết, năm 2009, Đinh Phan An – một học sinh gốc Việt khác – đã mang về cho nền toán học Bulgari một huy chương vàng tại Olympic toán học quốc tế, tổ chức tại Ấn Độ. Bà nói: “Các học trò gốc Việt của chúng tôi, không những học giỏi, mang lại niềm tự hào cho trừơng, đem vinh quang về cho toán học Bulgari mà đáng quý, đáng trân trọng hơn, các em là những người rất tình nghĩa. Mặc dù đã trưởng thành, đã và đang theo học tại các trường đại học danh tiếng của châu Âu và thế giới, các em vẫn không quên ngôi trường này. Năm nào, các em cũng đến thăm trường, thăm thày cô cũ và bày tỏ lòng biết ơn đối với chúng tôi. Là thày cô, không có phần thưởng nào xứng đáng hơn sự trưởng thành của học trò. Với chúng tôi còn hơn thế nữa. Đó là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam được các em thể hiện một cách rất sinh động, cụ thể trên đất nước chúng tôi – nơi cách xa hàng nghìn dặm, nơi văn hoá và phong tục có những nét khác biệt với Việt Nam”. Hiện tại, cũng tại ngôi trường này, 15 tài năng toán học của cộng đồng người Việt, đang sinh sống tại Sô-phia, theo học ở tất cả các lớp, từ lớp 6 đến lớp 9. Bà Hiệu trưởng cho biết, tất cả 15 em đều có khả năng đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế và khu vực.
Dường như muốn nhấn mạnh đóng góp của học sinh gốc Việt vào thành tích của trường, bà Lilia Pancheva, Hiệu phó nhà trường còn cho tôi xem ảnh của Giang – một cô gái Việt Nam – trong vai trò trợ lý giáo dục của Ban Giám hiệu. Bà cho chúng tôi biết một chi tiết thú vị: “Trong đội tuyển 8 học sinh tham gia kỳ thi Toán học quốc tế tại Philipin vừa qua, có 4 học sinh đội tuyển lớp 6 và 4 học sinh tham gia thi ở trình độ lớp 8. Ở mỗi nhóm đều có một học sinh gốc Việt và cả hai đều đã giành huy chương”.
Thay cho lời kết, chúng tôi xin dẫn nhận xét của bà Svetla Rakadjiska – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Varna – về khả năng toán học của học sinh gốc Việt. Trong buổi giao lưu hữu nghị “Tri ân đất nước Hoa Hồng”, tổ chức hôm 20-11-2010 tại Hà Nội nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Bulgari, không giấu nổi niềm khâm phục, bà nói: “Tôi ngạc nhiên về khả năng học toán của sinh viên Việt Nam. Dường như họ sinh ra là để học, hiểu, biết toán học. Đến đây, đến Việt Nam, tận mắt chứng kiến sự phát triển của đất nước các bạn, tôi đã hiểu rằng, một dân tộc toán học là một dân tộc biết cách để phát triển”./.
Nguyễn Vũ Cân
Phản hồi mới